Truy cập nội dung luôn

Đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về bảo đảm thanh khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội

Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11, khoản 3 Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí quản lý bảo BHXH, BHTN, BHYT (Quyết định số 60); Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg (Quyết định số 38).

Ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15; trong đó: Khoản 1 Điều 137 quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính: "Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế tài chính về BHXH; quy định về chi tổ chức và hoạt động BHXH quy định tại Điều 120 của Luật này".

Một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện

Theo Bộ Tài chính, qua 09 năm thực hiện, cơ chế quản lý tài chính và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 60 và Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc như:

Về cơ chế tài chính: Quy định việc mở tài khoản, thẩm quyền quyết định số lượng tài khoản, nơi mở tài khoản chưa bao quát đầy đủ các cơ quan, tổ chức thực hiện và chưa phù hợp về thẩm quyền, chưa quy định việc lựa chọn ngân hàng thương mại để mở tài khoản; chưa quy định mức dư trên tài khoản thanh toán tổng hợp được gửi có kỳ hạn để làm cơ sở thực hiện; chưa quy định cụ thể việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển kinh phí, thời gian chuyển kinh phí, thời gian lập dự toán đối với cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan, đơn vị thực hiện; chưa quy định việc hạch toán đối với trường hợp nộp không đủ số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định, thứ tự hạch toán các khoản thu hồi từ hoạt động đầu tư bị quá hạn trả nợ …, do đó, trong quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc.

Về chi phí quản lý: Mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng hiện nay không còn phù hợp do tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chi trả qua tài khoản nên chi phí giảm và có sự khác biệt chi phí giữa chi trả bằng tiền mặt và chi qua tài khoản cá nhân; thực tế phát sinh một số nội dung chi nhằm đạt mục tiêu phát triển đối tượng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW nhưng chưa được quy định; nội dung chi chưa phân định rõ chi thường xuyên giao tự chủ và chi thường xuyên không giao tự chủ như đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập hiện hành; việc quy định kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ trong năm đến cuối năm chưa sử dụng được chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục sử dụng là chưa phù hợp và không khuyến khích các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ hoàn thành trong năm...

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để phù hợp với thực tế và các quy định hiện hành là cần thiết và đảm bảo cơ sở pháp lý.

Đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định được xây dựng và đề xuất ban hành nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định được ban hành sẽ khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg thời gian qua; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Qua đó tạo thuận lợi cho ngành BHXH chủ động nguồn kinh phí, tổ chức thực hiện thu, chi quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật; tập trung nguồn thu, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư theo phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua vừa đảm bảo tính thanh khoản đáp ứng nhu cầu chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

Quy định mới về bảo đảm thanh khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Quyết định số 60, ngoài duy trì số dư trên tài khoản thanh toán đủ đảm bảo chi trả, BHXH Việt Nam còn được duy trì thêm trên tài khoản thanh toán 1,5 tháng theo tổng dự toán chi hằng năm được giao (số dư trên tài khoản thanh toán tối đa bằng 2,5 tháng dự toán). Tại Quyết định số 38 sửa Quyết định số 60, bỏ mức đảm bảo thanh khoản cụ thể. Tuy nhiên thực hiện thời gian qua cho thấy cần thiết phải quy định rõ mức đảm bảo thanh khoản cụ thể để đảm bảo minh bạch.

Do đó, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của BHXH Việt Nam trình Chính phủ quy định mức bảo đảm thanh khoản tối đa là 1,1 tháng, thấp hơn mức quy định tại Quyết định số 60 là 1,5 tháng do thay đổi cách xác định tính cả số chi phí quản lý và chi đầu tư tài chính (Quyết định số 60 không tính số này); để đảm bảo căn cứ pháp lý trong tổ chức thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế để ngành chủ động về nguồn tiền đáp ứng nhu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian quy định cho người hưởng khi nguồn thu chưa được tập trung kịp thời, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, là cơ sở cho việc xác định nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi có thể thực hiện đầu tư hằng năm, cần thiết phải có quy định về mức đảm bảo thanh khoản.

Quy định cụ thể phương thức, kỳ hạn thực hiện gửi tiền trong thời gian chưa phát sinh nhu cầu chi trả, chưa thực hiện đầu tư tài chính có kỳ hạn trên 01 tháng theo phương án đầu tư quỹ được Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội thông qua và việc phân bổ tiền lãi phát sinh.

Bổ sung quy định về chuyển kinh phí chi trả chế độ, chi tổ chức và hoạt động

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung 01 Điều quy định về chuyển kinh phí chi trả chế độ, chi tổ chức và hoạt động trong quy định về cơ chế tài chính về BHXH, BHTN, BHYT. 

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm để đảm bảo kinh phí chi trả kịp thời, đầy đủ cho người hưởng, đơn vị, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thiết bổ sung quy định cụ thể về thời gian, mức chuyển, mức tạm ứng trên cơ sở dự toán; hoặc trong trường hợp chưa được cấp có thẩm quyền giao dự toán; hoặc trường hợp nhu cầu chi trả thực tế phát sinh cao hơn dự toán được giao; hoặc trường hợp thời gian chi trả gần ngày Tết Nguyên đán và trong thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hoặc vì lý do bất khả kháng theo công bố của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, bổ sung quy định việc chuyển kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tiến độ thực hiện, kế hoạch sử dụng kinh phí của dự án, nhiệm vụ, trong phạm vi dự toán được giao.... Bổ sung quy định ứng trước kế hoạch vốn để thanh toán cho các dự án đầu tư đang thực hiện dở dang thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp đầu năm chưa có dự toán được cấp có thẩm quyền giao.


baochinhphu.vn