Truy cập nội dung luôn

Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số - đòn bẩy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng đang trở thành giải pháp trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là đột phá quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Nghị quyết nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia là yếu tố hàng đầu thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong đó, năng lượng được coi là "mạch máu" của nền kinh tế hiện đại. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất, giảm lãng phí và chi phí vận hành mà còn mở ra cơ hội phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Sử dụng công nghệ, năng lượng xanh, công cụ quản lý tiên tiến để tiết kiệm năng lượng cho công trình, doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, các giải pháp khoa học công nghệ đã mang lại kết quả tích cực. Các doanh nghiệp triển khai hệ thống quản lý năng lượng (EnMS), tự động hóa sản xuất, thiết bị hiệu suất cao, năng lượng tái tạo... đã giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công nghệ như quản lý lò hơi, máy nén khí hiệu quả, hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện tại nhà máy và tòa nhà cao tầng ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Tại khu vực đô thị và dân dụng, các tòa nhà thông minh, hệ thống cảm biến ánh sáng, điều hòa tự động theo nhiệt độ môi trường hay đèn chiếu sáng công cộng tích hợp cảm biến chuyển động cũng góp phần tiết kiệm điện năng đáng kể, thể hiện tinh thần khoa học công nghệ phục vụ thực tiễn theo đúng định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số được xác định là công cụ mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Thông qua hệ thống đo đếm điện tử, phần mềm quản lý năng lượng và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), người dùng có thể theo dõi mức tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực và điều chỉnh thói quen tiêu thụ phù hợp. Các cơ quan quản lý cũng có thêm công cụ giám sát, điều tiết nhu cầu trong giai đoạn cao điểm.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện thương phẩm toàn quốc quý I/2025 đạt 63,645 tỷ kWh, tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. EVN dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2025 đạt 300,9 tỷ kWh, công suất phụ tải cực đại đạt 54.510 MW, tăng 11,35% so với năm 2024. Những con số này cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao, đòi hỏi các giải pháp tiết kiệm năng lượng phải được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.

Ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái, đang nhận được sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Việc đầu tư điện mặt trời không chỉ giúp tiết kiệm chi phí điện năng mà còn giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Ông Hùng nhấn mạnh, sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để thúc đẩy thị trường điện mặt trời phát triển ổn định và minh bạch.

Triển vọng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các nghị định và quy định mới về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo vừa được ban hành. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng công suất nguồn lưu trữ năng lượng đến năm 2030 dự kiến đạt từ 10.000 đến 16.300 MW, chiếm 5,5-6,9% tổng công suất nguồn điện.

Thực tế tại các doanh nghiệp cho thấy, việc áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả rõ rệt. Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung (chi nhánh Đắk Lắk) đã đầu tư lắp đặt hệ thống đo đếm kiểm soát năng lượng, sử dụng nồi hơi thứ, lò hơi tầng sôi, cải tiến quy trình sản xuất và lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 1MWp, góp phần giảm mạnh tiêu thụ điện.

Hay tại Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), việc đầu tư trang thiết bị hiện đại cũng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí năng lượng tiêu hao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát (Dung Quất, Quảng Ngãi), công nghệ thu hồi nhiệt dư từ sản xuất thép để phát điện giúp Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất tự cung cấp khoảng 80% nhu cầu điện sản xuất. Ước tính, nhờ giải pháp này, Hòa Phát tiết kiệm khoảng 3.900-4.000 tỷ đồng mỗi năm và giảm hơn 5 triệu tấn CO2 phát thải.

Tuy nhiên, theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR), một thách thức lớn đối với doanh nghiệp là chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ tiết kiệm năng lượng còn cao trong khi lợi nhuận thu được chưa tương xứng ngay, dẫn đến tâm lý e ngại. Phần lớn các giải pháp tiết kiệm hiện tại vẫn tập trung vào quản lý hoặc những giải pháp đầu tư thấp.

Ông Trương Công Phong - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Giải pháp nước Tân Á Đại Thành cũng cho biết, chi phí đầu tư cho sản xuất xanh khá lớn, từ trang thiết bị, nghiên cứu đến đào tạo nhân lực, vì vậy rất cần chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.

Các chuyên gia tài chính nhận định, doanh nghiệp còn khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là từ ngân hàng thương mại, do hạn chế về hiểu biết kỹ thuật của ngành năng lượng tiết kiệm. Đây là vấn đề cần tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và công nghệ xanh.

Việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đây cũng chính là những bước đi thiết thực để Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.


VietQ.vn