Tọa đàm trực tuyến: Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Trách nhiệm từ nhiều phía, vì sức khỏe người dân
2024-12-06 14:42:00.0
MC Phương Thảo và các vị khách mời
MC Phương Thảo: Xin kính chào quý vị, quý vị đang theo dõi Chương trình tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.
Thưa quý vị, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và đi đến thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe của con người từ năm 2025. Đâu là khoảng trống trong quản lý thuốc lá điện tử trong thời gian vừa qua và làm thế nào để quy định về việc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ bị cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu từ năm 2025 được triển khai và thực hiện hiệu quả? Câu trả lời cho vấn đề này sẽ có trong Tọa đàm trực tuyến “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Trách nhiệm từ nhiều phía, vì sức khỏe người dân” ngày hôm nay. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia Tọa đàm: Ông Trần Minh Dũng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh; bà Vũ Thị Bích Duyên, Giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, TP. Thái Nguyên.
Trước hết, để hiểu rõ hơn về thuốc lá thế hệ mới và diễn biến của phiên chất vấn đề kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV vừa qua, mời quý vị cùng theo dõi một video clip ngay sau đây.
MC Phương Thảo: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Trần Minh Dũng. Ông có thể cho biết những chế tài được pháp luật quy định hiện nay về việc vận chuyển và kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, hay chúng ta vẫn gọi chung là thuốc lá thế hệ mới, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Tính đến thời điểm hiện tại, mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới) chưa được pháp luật quy định, định danh cụ thể là hàng hóa cấm sử dụng, hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành. Với lực lượng quản lý thị trường, việc áp dụng chế tài xử phạt đối với mặt hàng này thường chủ yếu đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ mức xử phạt thường áp dụng theo trị giá hàng hóa vi phạm, có mức xử phạt thấp nhất là cảnh cáo đến phạt tiền cao nhất là 100 triệu đồng. Về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, trường hợp đối tượng vi phạm là người trực tiếp nhập khẩu hàng hóa qua biên giới với trị giá hàng hóa trên 100 triệu đồng thì có thể xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi này hàng hóa vi phạm sẽ bị buộc tiêu hủy theo quy định.
Ông Trần Minh Dũng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh
MC Phương Thảo: Là một thành phố trẻ, một đô thị phát triển và là cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, các hoạt động thương mại diễn ra rất sôi động, đi kèm đó là những thách thức trong quá trình quản lý thị trường. Vậy ông có thể chia sẻ thông tin về việc quản lý thị trường đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện nay trên địa bàn TP. Phổ Yên, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Trong thời gian vừa quan, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, UBND TP. Phổ Yên và UBND TP. Sông Công, Đội QLTT số 4 đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng trên, chúng tôi tập trung vào các giải pháp chính như: Phân công đến từng tổ, công tác quản lý địa bàn thì thường xuyên giám sát, kiểm tra các đối tượng có dấu hiệu kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử, bên cạnh đó cũng tăng cường phối hợp với UBND các cấp, các trường THCS, THPT trên địa bàn để tuyên truyền phổ biến pháp luật về tác hại của thuốc lá điện tử đối với người dân, học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, kết hợp với việc kiểm tra, kiểm soát thì Đội QLTT số 4 đã tiến hành ký cam kết các cơ sở kinh doanh không thực hiện việc kinh doanh thuốc lá điện tử theo quy định.
Lực lượng QLTT kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thuốc lá, thuốc lá điện tử
MC Phương Thảo: Thưa bà Vũ Thị Bích Duyên, bà có thể cho biết thêm thông tin về thực trạng cũng như mối nguy từ sử dụng thuốc lá thế hệ mới hiện nay trong học đường hiện nay?
Bà Vũ Thị Bích Duyên: Công tác phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử đã được Trường THPT Ngô Quyền chúng tôi nói riêng và của các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung quan tâm.
Thời gian gần đây, công tác phòng chống tác hại thuốc lá điện tử học sinh, sinh viên hút thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng, thậm trí tình trạng này còn xảy ra đối cả học sinh nữ. Đã có nhiều trường hợp học sinh bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đến mức co giật, bị ảo giác và phải nhập viện. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, việc học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi thanh, thiếu niên sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khoẻ, ảnh hưởng đến học tập và ảnh hưởng đến cả tương lai sau này của các em.
Ở lứa tuổi học sinh, cơ thể vẫn đang trong quá trình phát triển, nếu sử dụng thuốc lá điện tử sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, suy thoái hệ thần kinh và kéo theo nguy cơ suy giảm trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức và học tập. Nếu sử dụng thuốc lá điện tử kéo dài sẽ gây nghiện và có thể dẫn tới tình trạng gây ra rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần.
Bà Vũ Thị Bích Duyên, Giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, TP. Thái Nguyên
MC Phương Thảo: Nhà trường đã có những quy định cụ thể như thế nào về hành vi cấm sử dụng thuốc lá thế hệ mới trong học đường thưa bà Duyên?
Bà Vũ Thị Bích Duyên: Gần đây tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân các em, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn bè và những người xung quanh. Đối với Trường THPT Ngô Quyền, chúng tôi cũng có rất nhiều quy định về việc cấm học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong và ngoài nhà trường.
Để xây dựng trường học không khói thuốc và tạo một môi trường học tập lành mạnh, an toàn, ngay từ đầu mỗi năm học, Đoàn Thanh niên Nhà trường cũng đã lồng ghép việc cấm học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong và ngoài Nhà trường vào nội quy của trường. Ngay từ đầu mỗi năm học, Đoàn Thanh niên Nhà trường cũng yêu cầu bắt buộc mỗi học sinh phải ký cam kết với giáo viên chủ nhiệm về việc không sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng trong và ngoài Nhà trường.
Mặc dù Nhà trường có nhiều quy định và biện pháp để ngăn chặn học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học, tuy nhiên vẫn còn một số học sinh vi phạm, sử dụng thuốc lá điện tử, lôi kéo bạn bè dùng thử, các em thường rủ nhau ra khu nhà vệ sinh, khu sau lớp học để dùng thử. Để ngăn chặn triệt để tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học là một công việc cũng vô cùng khó khăn, vì vậy chúng tôi cần sự chung tay của các bậc phụ huynh cũng như của toàn xã hội.
Kiểu dáng bắt mắt của thuốc lá điện tử đã nhanh chóng thu hút giới trẻ đón nhận và khám phá mà không biết đến những tác hại của những loại thuốc lá thế hệ mới này
MC Phương Thảo: Dư luận cho rằng, việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới phổ biến một phần là do những khoảng trống pháp lý trong quản lý các sản phẩm này. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này, thưa ông Dũng?
Ông Trần Minh Dũng: Thưa quý vị khán giả theo quy định pháp luật hiện nay, chế tài xử phạt đối với việc kinh doanh vận chuyển thuốc lá điện tử thì mới dừng lại ở việc xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, dẫn tới việc xử phạt còn nhẹ không đủ sức răn đe thì lợi nhuận từ việc kinh doanh thuốc lá điện tử tương đối cao. Do lợi nhuận từ việc bán thuốc lá thế hệ mới cho các đối tượng trẻ có lợi nhuận khá cao, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng lớn, dẫn đến mặc dù biết việc kinh doanh hàng hóa này là trái quy định của pháp luật nhưng các đối tượng này vẫn tiếp tục kinh doanh.
Mặt khác chúng ta đã biết, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cấm sử dụng, kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nhưng hiện nay Chính phủ vẫn chưa có văn bản nào, cũng chưa ban hành Nghị đinh, thông tư để hướng dẫn thi hành công tác này nên vẫn còn những khoảng trống về mặt pháp lý, trong thời gian tới các đối tượng vẫn tiếp tục lợi dụng khoảng trống pháp lý này để kinh doanh trái phép.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trực tiếp cầm một sản phẩm thuốc lá điện tử và đề nghị Quốc hội có nghị quyết cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
MC Phương Thảo: Ở trong học đường, tiếp xúc thường xuyên với các học trò ở lứa tuổi mà hầu hết các em đều rất muốn thử những điều mới lạ, trong đó không ngoại trừ khám phá các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Trong số rất nhiều câu chuyện, ở trên diễn đàn này, bà có thể chia sẻ với chúng tôi về một câu chuyện mà bà nhớ nhất không?
Bà Vũ Thị Bích Duyên: Việc học sinh nghiện thuốc lá điện tử có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân từ phía gia đình, từ phía bạn bè, từ sự thiếu hiểu biết của bản thân các em hoặc là vì các em muốn thể hiện đẳng cấp, cái tôi của mình với các bạn, hoặc là từ những quảng cáo rất hấp hẫn ở trên mạng, tôi có một câu chuyện bản thân tôi đã trải qua và cũng chính câu chuyện này đã giúp tôi và nhóm học trò của tôi có ý tưởng xây dựng dự án “Giải pháp ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử đến nhận thức và hành vi của nhóm học sinh có nguy cơ cao ở trường trung học phổ thông”. Trên diễn đàn này, tôi xin phép không tiết lộ tên thật học sinh của tôi.
Học sinh B là học sinh do tôi làm công tác chủ nhiệm. Năm học lớp 10, B là một học sinh ngoan, có học lực giỏi, chăm chỉ và còn làm cán bộ lớp, rất nhiệt tình, tuy nhiên đến năm học lớp 11 học tập của em có sự giảm sút, trong lớp hay ngủ, hay bỏ học, hay trốn giờ, hay cáu gắt với các bạn. Là một giáo viên chủ nhiệm, đầu tiên tôi gặp riêng em để trò chuyện, tâm sự nhưng mà em có vẻ e dè, không muốn chia sẻ với cô giáo. Sau đó tôi có gặp các bạn cán bộ lớp, các bạn gần nhà để hỏi về tình hình gia đình của em, thì tôi được biết trong đợt hè gia đình em có xảy ra biến cố. Và từ biến cố đó tinh thần của em suy sụp, hụt hẫng, tuyệt vọng, em bị một số bạn bè xấu rủ rê thử dùng thuốc lá điện tử, dần dần em lấn sâu, bị nghiện. Là một giáo viên chủ nhiệm, tôi rất băn khoăn, trăn trở, không biết làm cách nào để giúp học sinh của mình thoát ra khỏi tình trạng đó.
Đầu tiên là tôi và các bạn cán bộ lớp đến gia đình em thăm hỏi động viên, chia sẻ để em sớm vượt qua cú sốc tinh thần. Sau đó dần dần tôi và các bạn cán bộ lớp thay nhau sắp xếp thời gian đến nhà động viên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của bạn B. Ngoài ra trên lớp khi hết giờ học tôi nhờ các bạn trong lớp ở lại rủ bạn B chơi các môn thể thao mà các em và các bạn yêu thích, hoặc vào cuối buổi chiều học, các em có thể ở lại chơi thể thao và rủ bạn chơi cùng.
Ngoài ra, trong các giờ sinh hoạt lớp, tôi cho học sinh xem các video nói về tác hại của thuốc lá điện tử, còn trong các giờ hoạt động ngoại khóa thì tôi tổ chức cho học sinh sinh hoạt trong câu lạc bộ "Nói không với thuốc lá điện tử" hoặc là tìm hiểu về thuốc lá điện tử và giao cho B là người thuyết trình, các bạn khác thì diễn kịch. Sau mỗi buổi diễn kịch đó lớp sẽ chuẩn bị một phần quà nho nhỏ để tặng cho các bạn. Dần dần B đã lấy lại được tinh thần, đã vui vẻ trở lại và đã bỏ được việc hút thuốc lá điện tử.
Từ sự việc trên, tôi đã cùng một nhóm học sinh lớp 12A2 thực hiện một Dự án: “Giải pháp ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử đến nhận thức và hành vi của nhóm học sinh có nguy cơ cao ở trường trung học phổ thông và dự án này chúng tôi thực hiện ngay chính tại trường của chúng tôi, ngay chính bản thân học sinh của chúng tôi và chúng tôi cũng đã thu được một số kết quả nhất định. Dự án đã giúp học sinh của chúng tôi có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng thuốc lá điện tử và cũng nâng cao cảnh giác của bản thân mình khi sử dụng để không bị lấn sâu vào việc sử dụng thuốc lá điện tử và không bị các bạn rủ rê.
MC Phương Thảo: Còn với lực lượng QLTT thì sao thưa ông Dũng, trong quá trình phát hiện và xử lý các vụ việc, đâu là điểm chung của hầu hết các vụ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới mà Đội QLTT số 4 từng xử lý, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Thông qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, Đội quản lý thị trường số 4 nhận thấy điểm chung của các vụ việc mà Đội đã từng xử lý là các đối tượng kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử thường là các đối tượng có tuổi đời trẻ, đều sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook hoặc các hội nhóm kín để đăng tải thông tin, quảng bá, chào bán các sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử. Các đối tượng sẽ tiến hành trao đổi mua bán trên không gian mạng và sau đó “ship” đến tay người có nhu cầu sử dụng, không bán trực tiếp tại cửa hàng. Mặt khác các đối tượng cũng hay dùng địa điểm tập kết mua bán, giao dịch thuốc lá điện tử tại khu nhà cao tầng, nhà trọ nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong tiếp cận, xử lý.
Lực lượng quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý 109 vụ liên quan đến mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
MC Phương Thảo: Không chỉ trong thực tế, vấn đề về thuốc lá thế hệ mới cũng làm nóng nghị trường chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua. Kết quả là Quốc hội đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe của con người từ năm 2025. Chúng tôi rất muốn được lắng nghe quan điểm của 2 vị khách mời về quy định này? Xin mời bà Duyên?
Bà Vũ Thị Bích Duyên: Quyết định của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử từ năm 2025. Bản thân tôi thấy đây là một bước đi quan trọng, đúng đắn, kịp thời vì sức khoẻ cộng đồng, vì chất lượng cuộc sống và quyết định này còn nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của toàn xã hội.
MC Phương Thảo: Về phía lực lượng QLTT, theo ông Dũng chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ như thế nào để việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện có hiệu quả trong thực tiễn, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Như chúng ta đã trao đổi từ đầu chương trình, hiện nay việc quyết định thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới là hàng cấm hay các chế tài xử phạt đối với thuốc lá điện tử còn chưa đủ mạnh, chưa tạo được sức răn đe đối với các đối tượng đang vận chuyển, buôn bán mặt hàng này. Để có những giải pháp mạnh mẽ nữa trong việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử thì trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương hoàn thiện về thể chế, cơ chế chính sách, trong đó việc xây dựng các nghị định, thông tư, hướng dẫn và có những cái chế tài xử lý đủ mạnh mới có thể ngăn chặn việc kinh doanh trái phép mặt hàng này trong thời gian tới.
Các thành phần trong khói thuốc gây tổn thương phổi có thể dẫn đến ung thư
MC Phương Thảo: Còn đối với lực lượng QLTT của đội số 4 thì sao thưa ông?. Trong thời gian tới sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào với công tác tăng cường QLTT về lĩnh vực này?
Ông Trần Minh Dũng: Trong thời gian tới, đối với đội QLTT số 4 bên cạnh cơ sở hành lang pháp lý mới thì đội cũng tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh, UBND TP. Phổ Yên, UBND TP. Sông Công xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với mặt hàng này, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và môi trường không có khói thuốc lá độc hại cho người dân.
MC Phương Thảo: Câu hỏi cuối cùng xin được dành cho bà Vũ Thị Bích Duyên, cùng theo dõi tọa đàm của chúng ta ngay lúc này có rất nhiều phụ huynh và các em học sinh. Là một người làm công tác giáo dục, bà có thông điệp gì muốn gửi tới các phụ huynh và các em học sinh, thưa bà?
Bà Vũ Thị Bích Duyên: Thông qua buổi Tọa đàm hôm nay, tôi muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh, các em học sinh một vài chia sẻ của cá nhân tôi.
Đối với các em học sinh, cô mong muốn các em hãy giảm bớt những mục tiêu mà các em cảm thấy vượt quá khả năng của mình. Các em hãy hướng đến những hoạt động tích cực, thân thiện như hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, để cân bằng lại trạng thái của bản thân. Qua buổi Tọa đàm hôm nay, cô muốn gửi đến các em học sinh Trường THPT Ngô Quyền nói riêng và các em học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên một thông điệp “Mỗi em hãy là thành viên tích cực trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử”.
Đối với các bậc phụ huynh, tôi mong muốn các bậc phụ huynh hãy dành thời gian nhiều hơn nữa để quan tâm đến các con, hãy chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu các con của mình, đặc biệt là các con trong độ tuổi trưởng thành. Tôi cũng mong muốn các bậc phụ huynh hãy gắn kết với nhà trường nhiều hơn nữa để cùng với nhà trường tăng cường các biện pháp quản lý con em mình, để các em tránh xa những nguy cơ, những tệ nạn xã hội.
Học sinh tham gia tuyên truyền để hiểu hơn về tác hại của thuốc lá điện tử
MC Phương Thảo: Vâng thưa quý vị, việc Quốc hội thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 là một quyết định sáng suốt. Chúng ta đang cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ thế hệ trẻ. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước khởi đầu. Vẫn còn nhiều công việc cần phải làm, như xây dựng thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là hướng tới đối tượng thanh thiếu niên.
Thay cho lời chào, hãy cùng chúng tôi theo dõi là lắng nghe thông điệp từ một Clip do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế thực hiện. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.
VIDEO CUỘC TỌA ĐÀM
thainguyen.gov.vn