Truy cập nội dung luôn

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 12/11, Bộ Tài chính cho biết, để hoàn thành ngân sách nhà nước trong thời gian những tháng còn lại của năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định, duy trì đà tăng trưởng và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Trong tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính kiên định việc chủ động, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Cùng với đó, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm thêm 5% dự toán chi thường xuyên được giao.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Để giữ vững an ninh an toàn tài chính quốc gia, Bộ Tài chính cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời bố trí thanh toán trả nợ các khoản nợ gốc, lãi của ngân sách nhà nước kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 10 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán và tăng 17,3% so cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách nhà nước 10 tháng đạt khoảng 1.399,7 nghìn tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2023. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức lớn. Ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn; áp lực lạm phát gia tăng do biến động tăng của tỷ giá, điều chỉnh giá điện, tiền lương…

Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thùy Dương (TTXVN)
baotintuc.vn